Đăng Ký Học
Ngày 31/05/2021 14:13:25, lượt xem: 62781
Đề bài:
Nhà phê bình người Nga Bêlinxki viết: “ Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Lý luận văn học- NXB Giáo dục -1993)
Bằng hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Bài làm:
“Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã cảm thấy sâu sắc mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại” (Đặng Thai Mai). Thật đúng vậy, cuộc sống chính là chất liệu để sáng tạo nghệ thuật nhưng đâu phải cuộc sống đơn thuần mà ở trong đó phải gửi những tâm tư, tình cảm, cảm xúc. Cho nên tư tưởng là linh hồn của tác phẩm vì thế mà Biêlinxki đã viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.
“Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc” (Phương Lựu). Như vậy các tác phẩm muốn trường tồn với thời gian thì điều gì là quan trọng nhất? Tài năng hay quan điểm sáng tác, tấm lòng của người cầm bút? Ý kiến của Biê-lin-xki đặt ra yêu cầu sống còn của tác phẩm văn học là tư tưởng, tình cảm, là cái tài cái tâm của người cẩm bút. Tác phẩm văn học chỉ sống được trong những tư tưởng, tình cảm mãnh liệt của người nghệ sĩ mà thôi.
Trước khi bình luận chúng ta cần hiểu rõ nhận định của Biê-lin-xki: Tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng chỉ tồn tại mãi cùng thời gian là tác phẩm nghệ thuật chân chính, đích thực. Đó là tiếng nói tình cảm và lí trí của con người, là tiếng thét, là giọt nước mắt, tiếng kêu ai oán, là những câu hỏi, câu trả lời ,... quyện vào cuộc sống và con người, quyện lấy thiên nhiên hồn thiêng sông núi. Còn văn học là tấm gương diệu kì phản ánh hiện thực và thời đại. “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”. Tác phẩm văn chương vừa tái hiện cuộc sống, giúp người đọc nhận thức cuộc sống muôn màu, hiểu cuộc sống, có thái độ đúng và những quan niệm sống đúng, sống đẹp; hiểu cái đẹp và cái cao cả. Văn học đích thực miêu tả không chỉ là sự miêu tả, sao chép như chụp lại nguyên xi hiện thực, không tái hiện cuộc sống một cách đơn điệu, khô cứng hay tô vẽ lòe loẹt.
Văn chương chỉ tồn tại lâu bền trong lòng độc giả khi nó phán ánh được những vấn đề lớn lao của thời đại, nêu được những giá trị tư tưởng lớn lao, động tới chỗ cao sâu nhất trong tâm tư con người. “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả,...”. Ngoài miêu tả cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật cần thể hiện đúng những giá trị đích thực của nó. Tác phẩm văn học chân chính hướng đến và chia sẻ, đồng cảm với những khổ đau hay ca tụng hân hoan những niềm vui lạc quan và hạnh phúc con người; nó đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi lớn của cuộc sống con người.
Theo nhà phê bình Nga Bi-ê-lin-xki, người nghệ sĩ chân chính, trước hết cần biết cảm thông sâu sắc với số phận của con người, biết xúc động trước những kiếp đời lầm than, đau khổ; biết nêu lên những giá trị nhân sinh, biết căm thù cái xấu, cái ác và trân trọng cái đẹp, cái cao thượng. Và bằng việc miêu tả hiện thực cuộc sống, nhà văn thể hiện được những điều đó trên trang viết của mình. Khi đó, những “tiếng thét”, ”lời ca tụng”, “câu hỏi, câu trả lời” sẽ trở thành những con chữ không còn nằm yên trên trang giấy, nó sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn người đọc, khiến cho họ phải cùng suy nghĩ, trăn trở và day dứt với nhà văn, cùng nhà văn đến một mục đích duy nhất của văn chương, là hướng con người tới cái Chân,Thiện, Mĩ. Người nghệ sĩ chân chính dám đối mặt với hiện thực, đương đầu với điều phi lý, bất công để đem công bằng, hạnh phúc về cho nhân loại.
Văn chương trước hết là cuộc đời, văn học luôn phản ánh cuộc đời qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Mặt khác nhà văn không thể thoát ly, mơ tưởng lãng mạn, trái lại, người cầm bút chân chính cần có thái độ rõ ràng chân thực khi miêu tả những sự thật của đời sống xung quanh. Nam Cao đã viết “ Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”, và khẳng định “sống rồi hãy viết”. Nhà văn có trách nhiệm, yêu nghề, yêu bạn đọc thường quan tâm thể hiện cho được những vấn đề lớn của cuộc sống: tình thương, sự bắc ái, công bình và giúp người gần người hơn.
Trong truyện ngắn nổi tiếng “Chí Phèo”, Nam Cao lại quay tấm gương cuộc sống, cho ta thấy một kiếp sống tủi nhục trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Bằng những am hiểu về đời sống người nông dân Nam Cao đã xây dựng lên Chí Phèo, một nạn nhận đau khổ của một xã hội cạn khô tình người với những ác quỷ mang bộ mặt người. Sinh ra không tình yêu thương của mẹ cha, Chí Phèo lớn lên trong sự đùm bọc của những người như anh thả ống lươn, bà cụ loà, bác phó cối dù nghèo nhưng tốt bụng. Nhưng những năm tháng ấy, như chính những câu văn tái hiện rất ngắn gọn của Nam Cao, lướt qua cuộc đời Chí như cơn gió. Phần còn lại của cuộc đời, Chí đâu có gì ngoài những năm tháng tù tội, những lần rạch mặt ăn vạ, những khinh bỉ miệt thị của người đời? Gặp Thị Nở, cứ tưởng cuộc đời Chí sẽ bừng sáng, sẽ ngời lên hồi chuông an lành nhưng hạnh phúc tình yêu thoảng qua như hơi cháo hành, như ảo ảnh về nguồn nước giữa sa mạc cạn khô tình người.
Chí sẽ mãi là anh canh điền hiền lành chân chất với những giấc mơ giản dị nếu như không bị Bá Kiến hãm hại đẩy vào tù, nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành tên lưu manh bất cần, liều lĩnh. Dưới sự chi phối, sai khiến cho Bá Kiến, Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, một tay Chí đã gây ra bao tội ác. Đằng sau câu chữ, cách xưng hô có vẻ lạnh lùng, dửng dưng, miệt thị ấy là một trái tim ấm nóng tình yêu thương con người. Nam Cao đã từng mong muốn viết lên những tác phẩm làm cho “người gần người hơn” thì với “Chí Phèo”, ông đã làm được điều đó. Bởi lẽ nhà văn đã “đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời” cho nên tác phẩm của ông, những “tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” sẽ còn sống mãi.
Văn học chính là tiếng nói tâm hồn tri âm tri kỷ. Nhà văn trước hết rung cảm và xúc động trước cảnh huống, trước một sự thật hoặc một phần sự thật để từ đó ghi lại, làm sống lại trong độc giả những cảm xúc và trải nghiệm đó. Bằng tài năng và tâm huyết, các tác giả nổi tiếng luôn nêu lên và lý giải những chiều sâu, những uẩn khúc thầm kín mà vẻ vang của tâm hồn con người trong những éo le của cuộc đời. Bên trong giữa những dòng chữ là cả máu và mồ hôi, nước mắt người nghệ sĩ. Tiếng khóc than của Nguyễn Du, của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Gia Thiều thương mãi những người tài sắc bị vùi dập hay tiếng lòng cụ Nguyễn Khuyến, cụ Tú Xương xót xa cảnh hàn nho lỡ vận.
Nguyễn Du, hơn một lần đề cập đến thân phận của khách “má hồng”. Đến với Tiểu Thanh, ba trăm năm sau ngày nàng mất, trong lòng nhà thơ dậy lên cảm xúc xót xa trước cảnh đời “tang thương dâu bể”:
“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng ?”
(Nguyễn Du, Độc Tiểu Thanh ký)
Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một người con gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh. Năm mười sáu tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một thương gia giàu có ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vợ cả ghen, bắt nàng ở trong ngôi nhà xây biệt lập trên núi Cô Sơn. Nàng có làm một tập thơ ghi lại tâm trạng đau khổ của mình. Ít lâu sau, Tiểu Thanh buồn mà chết, khi mới tròn mười tám xuân xanh. Nàng chết rồi, vợ cả vẫn ghen, đem đốt tập thơ của nàng, may còn sót một số bài được người đời chép lại đặt tên là “Phần dư” (đốt còn sót lại) và thuật luôn câu chuyện bạc phận của nàng. Nguyễn Du đọc những bài thơ ấy, lòng dạt dào thương cảm cô gái “tài hoa, bạc mệnh”. Đồng thời ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, day dứt trước số phận bất hạnh của bao con người tài hoa khác trong xã hội cũ, trong đó có bản thân ông.
Không cầu kì, hoa mĩ, đó là những lời huyết lệ, những lời tâm can của chính Nguyễn Du. Những câu thơ như thế, có gì hay, có gì mà hấp dẫn muôn triệu trái tim, muôn triệu tâm hồn? Phải chăng bởi đó là “tiếng thét khổ đau”, bởi đó là sự trào dâng mãnh liệt của cảm xúc, của tinh yêu thương con người. Đọc câu chuyện của người xưa mà Nguyễn Du đau đớn muôn phần. Người đã thổi hồn cho những con chữ, những hình tượng sống dậy và sống mãi trong tâm hồn, trong những sướng khổ buồn vui của biết bao thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Khác với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng viết về người phụ nữ, nhưng với tâm trạng của người trong cuộc, hay đúng hơn, viết bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình. Những vần thơ của Xuân Hương là sự lên tiếng của một thân phận. Bất hạnh trong cuộc đời riêng, Xuân Hương tìm đến thơ như ngươi bạn tâm tình - nơi gửi gắm kí thác những nỗi niềm suy tư. Người phụ nữ của Hồ Xuân Hương mang vẻ đẹp cả về hình thể và tâm hồn, lẽ ra, họ phải nhận được hạnh phúc xứng đáng. Vậy mà “Hồng nhan bạc phận”, trong xã hội đó, họ lại luôn phải chịu những điều bất hạnh. Đồng cảm với họ, thơ Hồ Xuân Hương còn là tiếng nói cảm thương chân thành. Hồ Xuân Hương không quan tâm đến những người phụ nữ gặp may mắn trên đường đời, cũng không quan tâm đến những người phụ nữ nơi lầu son gác tía - đề tài quen thuộc trong thơ văn trung đại mà chỉ quan tâm đến những người phụ nữ lao động bình thường chịu nhiều thua thiệt trong cuộc đời. Thơ bà thể hiện sự cảm thương sâu sắc, thương cho người và cũng là thương cho mình. Thơ bà có hẳn hai mảng về nỗi bất hạnh của người phụ nữ, trong tình yêu và trong cuộc sống gia đình. Bản thân Hồ Xuân Hương cũng là một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh về tình duyên: hai lần làm lẽ và cả hai lần tình duyên đều không trọn vẹn. Hơn ai hết, bà thấm thía cảnh duyên phận hẩm hiu, nỗi cô đơn và bất hạnh của những người bị ông tơ bà nguyệt trêu đùa. Hồ Xuân Hương đã “tự tình”, “tự thán” để nói lên tình cảnh và tâm trạng của mình, cũng là nói thay cho bao người phụ nữ khác.
Tiếng nói của Thơ mới nước ta đầu thế kỷ XX như cây đàn muôn điệu; tiếng kêu xé ruột bao kiếp người ngựa nghèo khổ của người dân nghèo bị bần cùng đến tuyệt lộ trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng; tiếng cười cay đắng mỉa mai kiếp người trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan; những tiếng hát tranh đấu đòi quyền tự do, chống thực dân đế quốc trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu,...
Chắc hẳn chúng ta cũng không thể quên được hình ảnh lũ con cháu bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa trong gia đình nhà cụ cố Tổ, vì vật chất, hám danh, hám lợi mà chà đạp lên chính nhân cách của mình. Đau đớn hơn khi chính những người thân trong gia đình mà không có sự yêu thương, lừa lọc, thủ đoạn chỉ vì đồng tiền. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến chi tiết sự phối hợp nhịp nhàng giữa ông Phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ trong cuộc trao đổi, buôn bán. Tờ giấy năm đồng gấp làm tư ông Phán dúi vào tay Xuân, Xuân nhanh chóng nắm tay cho khỏi có người nom thấy một hành động hết sức chuyên nghiệp và thành thạo. Cuộc mua bán, trao đổi đã thành công và hứa hẹn sẽ có những lần giao thương lớn và thành công hơn nữa.
Văn học không chỉ phản ánh hiện thực, phản ánh những đau khổ mà còn ngợi ca những vẻ đẹp, những niềm vui hạnh phúc của cuộc sống, của con người. Nhiều tác phẩm trứ danh viết về tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, ca ngợi cuộc sống và tình yêu, ca ngợi cái đẹp lý tưởng, cái đẹp cuộc sống và tâm hồn con người. Xưa nay tình yêu nam nữ vốn luôn hiện hữu với rất nhiều cung bậc: Lãng mạn, mơ mộng, thiêng liêng, cao thượng, phàm tục, nhục thể, bi đát, đắm đuối, si mê, lỗi lầm… như một nhận thức tất yếu về đời sống, thơ Xuân Diệu cũng cắt nghĩa về tình yêu trên nhiều phương diện. Trước hết, đối với thi sĩ yêu là nguồn sống: Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào? (Bài ca tuổi nhỏ) . Quả thật, cuộc sống đúng như thi sĩ quan niệm: “Đời không ân ái đời vô vị/ Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa”. Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sống mà chỉ là sự tồn tại đơn điệu, vô nghĩa, nhạt nhẽo. Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra vốn là để sống và yêu nói như Gớt: “chúng ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình yêu”. Tình yêu cho con người được trải nghiệm những cảm xúc Người nhất: buồn, vui, thương, nhớ, đau khổ và hạnh phúc… Cuộc sống thiếu tình yêu như mặt trời không có nắng, tình yêu tiếp thêm sinh lực cho con người, tình yêu là nơi vực dậy tinh thần cho con người trên hành trình cuộc sống đầy thử thách. Trong cái nhìn của người đang yêu vạn vật ánh lên những sắc màu tươi vui, ánh sáng tràn ngập khắp cõi thế gian… Tình yêu khiến con người trở nên cao thượng và nhân hậu, bao dung hơn. “Được yêu, một sự kiện quan trọng biết bao! Yêu, càng trọng đại hơn nữa! Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao thượng và lớn lao” (Victor Hugo).
Văn chương chỉ sống mãi được khi nó đặt ra và trả lời những câu hỏi của con người. Nếu sáng tác đó, dù có được viết thận trọng và tinh diệu đến đâu, nhưng không để lại trong lòng người đọc những day dứt, ám ảnh thì nó cũng sẽ chết, người ta đọc rồi quên ngay. Văn chương chỉ thực sự là văn chương, nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó phản ánh hiện thực thông qua bầu cảm xúc nồng nàn mãnh liệt của nhà văn, khi mỗi tác phẩm đặt ra một vấn đề để người đọc phải day day dứt, trăn trở. Tiếng kêu đòi lương thiện của Chí Phèo (tác phẩm cùng tên -Nam Cao), tiếng khóc của cái Tí van xin đừng bán nó (Tắt đèn - Ngô Tất Tố), tấm lòng của Lão Hạc (Lão Hạc -Nam Cao) làm xúc động nhiều thế hệ người đọc...Văn học thực hiện sứ mệnh cao cả góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, trong sáng hơn, giúp người gần người hơn. Văn học phải là “ thứ khí giới thanh cao và đắc lực” để “ tố cáo và thay đổi thế giới giả dối và tàn ác”. Trong mỗi tác phẩm tốt là một thế giới mới với những tư tưởng tiến bộ, với những con người xứng đáng và thân thiện.
Nhà văn trước hết là người ham mê sáng tạo và có tâm có tầm để hoàn thành những nhiệm vụ cao cả của nhà văn, góp phần làm cho thế giới ngày càng mới hơn, đẹp hơn và thân thiện hơn. Nhà văn chân chính, có tài năng và có cái tâm đẹp thì văn chương phải có ích cho đời, phải là món ăn tinh thần cho người đọc. Đúng như Thạch Lam đã nói: "Văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác". Với Thạch Lam, cầm bút viết văn là một thiên chức cao quý bới lẽ "văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực". Không có gì đẹp hơn văn chương, không có gì mạnh hơn văn chương khi nó đã đi sâu vào lòng người. Là tiếng nói của tình cảm, là hình thức nhuần nhị của tư tưởng, "văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực", nó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Những trang văn của Thạch Lam đã thể hiện đúng như quan niệm văn chương của ông. Bên cạnh những truyện mang màu sắc lãng mạn như "Tình xưa”, "Nắng trong vườn”, "Dưới bóng hoàng lan”, "Sợi tóc”, Thạch Lam đã viết rất thành công, rất cảm động về thế giới những con người nghèo khổ, những em bé, những bà mẹ nghèo nơi phố huyện ngày xưa. "Hai đứa trẻ”, "Gió lạnh đầu mùa”, "Cô hàng xén", "Nhà mẹ Lê",... đã cho thấy "những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và nông thôn" (Nguyễn Tuân). Bóng tối tràn ngập đối mắt và cuộc đời những con người nhỏ bé, đáng thương. Họ không chỉ mơ ước được một bát cơm đầy, một tấm áo ấm mà còn khát khao một ánh sáng, một ngọn đèn như chị em Liên, như mẹ con chị Tí trong truyện "Hai đứa trẻ". Có thể nói trang văn của Thạch Lam đã góp phần "tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác", đồng thời "làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Có lẽ vì thế mà sau hơn nửa thế kỉ, chúng ta vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và nhã thú khi đọc văn Thạch Lam.
Ý kiến của Bêlinxki đã đặt ra yêu cầu hết sức đúng đắn, cần thiết, quan trọng với người cầm bút: ấy là anh phải có cái tâm trước cuộc sống, con người. Đó cũng chính là bài học đối với những nghệ sỹ. Muốn có được tác phẩm sống mãi với thời gian, anh phải sống sâu sắc với cuộc đời, nói như Nguyễn Khải “giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”. Để viết nên tác phẩm, nhà văn phải “sống phải tìm tòi, phải yêu rất nhiều và phải chịu nhiều đau khổ” (Gioóc Giơ - Xăng). Và lịch sử văn học, thực chất chính là lịch sử của những tư tưởng vĩ đại của con người nghệ sỹ.
Nghệ thuật chân chính, theo nhà phê bình Nga, rất cần cái hay cái đẹp của hình thức nghệ thuật. Tác phẩm văn chương có tính nghệ thuật chẳng những có tư tưởng, tình cảm sâu sắc mà còn cần chuyển tải thông tin về cuộc sống và cái đẹp qua hệ thống ngôn từ nghệ thuật và các phương thức biểu đạt chọn lọc hiệu quả. Sự hoàn thiện về nội dung, sự sáng tạo mới mẻ về hình thức nghệ thuật sẽ làm cho tác phẩm văn chương thêm cuốn hút và không bao giờ chết trong lòng người đọc cũng giống như những hạt giống không ngừng vươn lên mà Biêlinxki từng viết “Như một hạt giống vô hình, tư tưởng gieo vào tâm hồn nghệ sĩ và từ mảnh đời màu mỡ ấy nó triển khai thành một hình thức xác định, thành các hình tượng nghệ thuật đầy vẻ đẹp và sức sống”.
Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!
ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan